-->

I am ...

an engineer,

a writer,

... and

a lover.

Tui là Quân,

Tui là 1 kẻ xấu xí, vô duyên, nhiều chuyện, lười biếng, hậu đậu, ngạo mạn, kiêu căng, ngang tàng, bướng bỉnh, bảo thủ, thù dai, cau có, khó chịu, đanh đá, dữ dằn, cộc cằn, lì lợm, hiềm khích, ganh tỵ, tiểu nhân, nham hiểm, ích kỉ, độc ác, tham lam … nếu bạn vẫn thích những điều đó từ tui thì tui rất vui được làm quen với bạn.

My Blog

Đã quá đủ với từ "ông chủ"


Hãy để từ "ông chủ" đi vào yên nghỉ, nó đã lỗi thời và nghe nặng nề, cứ như là một câu lạc bộ chỉ mở cho những ai có thẻ thành viên. Tất cả mọi người cần được khuyến khích để bắt đầu khởi nghiệp, nó không phải là đặc quyền của một số người thượng đẳng nào đó.

Có rất nhiều người trẻ ở ngoài kia đang bắt đầu gầy dựng sự nghiệp. Họ đang tạo ra lợi nhuận nhưng không bao giờ nghĩ mình là doanh nhân. Rất nhiều người trong số họ thậm chí không nghĩ về mình là chủ doanh nghiệp. Họ chỉ làm những gì họ yêu thích, theo cách riêng của họ và nhận được thù lao từ việc đó.

Vì vậy, hãy thay thế cái từ kẻ cả đó bằng một cái gì đó gần gũi hơn. Thay vì gọi là "ông chủ", chúng ta chỉ cần gọi họ những nhà khởi nghiệp. Bất cứ ai tạo ra một doanh nghiệp mới đều là người khởi nghiệp. Bạn không cần phải có bằng MBA, giấy chứng nhận, một bộ đồ hàng hiệu, một chiếc cặp, hoặc một chút máu me mạo hiểm trong kinh doanh. Bạn chỉ cần một ý tưởng, một sự tự tin, và một động lực để bắt đầu mà thôi.

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Bệnh nghiện việc


Mọi người hay có khuynh hướng ca ngợi những người tham công tiếc việc, trầm trồ thán phục những người làm việc thâu đêm suốt sáng ở công ty. Hình ảnh đó được xem là biểu hiện của vinh dự, xả thân vì sự nghiệp. Đối với những người này, công việc dường như không bao giờ có giới hạn.

Tuy nhiên, chứng bệnh nghiện việc này thật ra chẳng những không cần thiết mà còn thật là dại dột. Làm việc nhiều hơn không có nghĩa là bạn quan tâm và hoàn tất được nhiều việc hơn, mà nó chỉ đơn thuần là bạn làm việc nhiều hơn thôi. Những người nghiện việc rốt cục sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là những việc họ thực sự giải quyết được bởi cách làm việc như thế sẽ không thể tồn tại lâu qua thời gian, và đến khi kiệt sức (điều này chắc chắn xảy ra) thì những tổn hại mà họ phải hứng chịu là rất lớn.

Những người tham công tiếc việc cũng không nắm được cốt lõi của vấn đến. Họ cố gắng giải quyết rắc rối chỉ toàn bằng cách bỏ thêm thật nhiều thời gian. Họ cố gắng bù đắp cho sự lười biếng tư duy bằng lao động thể lực. Việc này sẽ đưa đến những giải pháp thiếu thông minh và không thực tế.

Họ thậm chí còn tạo ra những cơn khủng hoảng. Họ không tìm cách để làm việc hiệu quả hơn bởi vì họ thực sự thích làm việc ngoài giờ. Họ tận hưởng cảm giác thấy mình là những vị anh hùng. Họ tao ra rắc rối (thường là một cách vô thức) để có thể làm việc nhiều hơn. Người tham công tiếc việc làm cho những người không ở lại làm việc muộn cảm thấy mình không xứng đáng vì chỉ làm việc đủ giờ. Điều đó dẫn đến cảm giác tội lỗi và sụt giảm tinh thần của mọi người. Thêm vào đó, nó dẫn đến tâm lý dán chặt mông vào ghế - mọi người ở lại muộn, thậm chí không biết để làm gì và năng suất công việc cũng chẳng cải thiện được là bao.

Nếu trí não luôn hoạt động bạn sẽ khó mà phán quyết sáng suốt. Cách định giá trị và ra quyết định của bạn sẽ bị lệch lạc. Bạn không còn khả năng quyết định việc gì là đáng cố gắng còn việc gì thì không. Và rồi sau cùng bạn chỉ chuốc lấy sự chán chường và mệt mỏi. Chẳng ai có thể đưa ra những quyết định nhạy bén khi tinh thần đang xuống dốc cả.

Rốt cục, người tham công tiếc việc không gặt hái được nhiều hơn người làm việc bình thường. Họ có thể tuyên bố mình là người hoàn hảo, nhưng thật ra họ đang lãng phí thời gian, cứ chăm chăm vào những tiểu tiết vụn vặt thay vì chuyển sang công việc khác.

Người tham công tiếc việc không phải là những anh hùng. Họ không tiết kiệm được thời gian, họ chỉ sử dụng cho hết quỹ thời gian của mình. Vị anh hùng thực sự đã về nhà từ lâu vì anh ta tìm ra cách làm việc nhanh lẹ hơn.

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Sao lại phải mở rộng quy mô?


Người ta thường hỏi bạn "Quy mô công ty của anh ra sao?" Đó chỉ là câu hỏi "nhỏ" trong một buổi trò chuyện thân mật, nhưng họ lại không tìm kiếm một câu trả lời "nhỏ". Nếu con số càng lớn bạn càng có vẻ quyền lực, chuyên nghiệp và ấn tượng. "Ồ, tuyệt vời!" - họ sẽ thốt lên như vậy nếu bạn có trên 100 nhân viên. Còn không bạn sẽ nhận được câu "Ồ ... hay nhỉ!". Tất nhiên câu trước là câu khen còn câu sau họ chỉ trả lời vì lịch sự.

Tại sao lại như vậy? Việc tăng quy mô công ty và việc kinh doanh có liên hệ gì với nhau? Tại sao mở rộng công ty luôn là mục tiêu hàng đầu? Sức lôi cuốn của doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ là gì? (Bạn cần một câu trả lời hay hơn so với "lợi thế kinh tế quy mô lớn - economies of scale" đã ăn sâu vào đầu.) Việc tìm được một quy mô thích hợp và duy trì nó như vậy thì có gì là không ổn?

Liệu chúng ta có nhìn vào Harvard hay Oxford và nói: "Nếu hai ngôi trường này mở rộng thêm nhiều chi nhánh và thuê thêm hàng ngàn giáo sư, vươn ra toàn cầu và mở trường ở khắp nơi trên thế giới ... thì sẽ trở thành những ngôi trường vĩ đại?" Đương nhiên là không. Đó không phải là cách mà chúng ta đo lường giá trị của những tổ chức này. Thế thì tại sao chúng ta lại đo lường doanh nghiệp bằng cách đó?

Có thể quy mô phù hợp cho công ty của bạn là năm người, có thể là bốn mươi, có thể là hai trăm hoặc cũngc ó thể chỉ cần bạn với chiếc máy tích xách tay là đủ. Đừng đưa ra giả định về quy mô doanh nghiệp của bạn. Hãy phát triển từ từ và xem cái gì là phù hợp. Việc thuế mướn nhân sự trước nhu cầu chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết yểu của nhiều công ty. Và hãy tránh việc phát tiển bộc phát, việc đó có thể khiến bạn bỏ qua quy mô thích hợp của mình.

Quy mô nhỏ không phải là một chiếc bàn đạp, quy mô nhỏ là một đích đến vĩ đại trong chính bản thân nó. (Small is not just a stepping-stone. Small is a great destination in itself.)

Bạn có bao giờ nhận thấy trong khi các doanh nghiệp nhỏ mong muốn trở nên lớn hơn thì các doanh nghiệp lớn lại ước gì họ nhỏ và linh động hơn? Hãy nhớ rằng, một khi bạn đã lớn lên thì việc thu gọn lại mà không cần sa thải nhân viên, làm tổn hại nhuệ khí của công ty và thay đổi toàn bộ phương thức kinh doanh là điều cực kì khó khăn.

Bạn không cần phải lúc nào cũng nhắm đến việc mở rộng quy mô. Quy mô ở đây không chỉ là số lượng nhân viên mà còn là chi phí, tiền thuê trụ sở, hạ tầng công nghệ thông tin, nội thất ... Việc mở rộng quy mô không tự nhiên xảy đến với bạn, chính bạn mới là người quyết định. Nếu bạn muốn, tức là bạn chấp nhận thêm những chuyện đau đầu, bạn sẽ gánh lấy nhiều chi phí và ép mình phải gầy dựng một doanh nghiệp cồng kềnh, một doanh nghiệp mà việc điều hành sẽ khiến bạn khó khăn căng thẳng hơn rất nhiều.

Đừng cảm thấy bất an khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Bất kỳ ai điều hành một doanh nghiệp đứng vững trên thị trường và sinh lợi nhuận thì dù nhỏ hay lớn, người tạo ra nó cũng nên lấy làm tự hào. (Don't be insecure about aiming to be a small business. Anyone who runs a business that's sustainable and profitable, whether it's big or small, should be proud.)

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Lên kế hoạch thật ra chỉ là đoán mò


Trừ khi bạn là thầy bói, còn bằng không thì việc lên kế hoạch kinh doanh dài hạn chỉ là một việc làm tưởng tượng mà thôi. Có quá nhiều yếu tố vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn như: thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, và cả nền kinh tế ... Việc lên kế hoạch thật ra chỉ giúp bạn cảm thấy mình kiểm soát được những thứ mà thật ra bạn không thể nào kiểm soát được mà thôi.

Vậy nên chúng ta hãy gọi nó bằng đúng với bản chất thật của mình: dự đoán. Hãy biến các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch chiến lược, kế hoạch tài chính của bạn thành những bản dự đoán kinh doanh, dự đoán chiến lược và dự đoán tài chính. Giờ thì bạn có thể bớt lo lắng về những kế hoạch rồi vì chúng không đáng làm bạn phải căng thẳng đâu.

Khi bạn biến các dự đoán thành kế hoạch là bạn đang tiến vào những vùng nguy hiểm. Kế hoạch để cho quá khứ điều khiển tương lai. Chúng che mắt bạn. "Đây là hướng mà chúng ta sẽ đi bởi vì ... xem nào, vì đây là kế hoạch của chúng ta mà". Và đó chính là vấn đề, các kế hoạch mâu thuẫn với sự ứng biến. Bạn phải có khả năng ứng biến, phải biết nắm bắt cơ hội khi nó đến. Đôi khi bạn cần phải nói: "Chúng ta phải đi theo hướng mới vì nó phù hợp với tình hình hiện nay."

Việc tính toán thời gian của những kế hoạch dài hạn cũng sai bét. Bạn có thông tin nhiều nhất khi bạn đang làm một việc gì đó, chứ không phải trước khi bạn thực hiện nó. Thế nhưng bạn lên kế hoạch lúc nào? Thường là trước khi bạn bắt tay vào làm việc. Đó là thời điểm tồi tệ nhất để đưa ra những quyết định then chốt.

Ở đây chúng tôi không có ý khuyên bạn đừng nên nghĩ về tương lai hoặc suy nghĩ cách thức vượt qua trở ngại. Đó là những việc phải làm, chỉ có điều, bạn không nhất thiết phải viết nó ra hoặc để nó ám ảnh bạn. Nếu bỏ thời giờ viết một kế hoạch vĩ đại, bạn sẽ gần như chẳng bao giờ nhìn đến nó. Những bản kế hoạch dài mấy trang giấy thường sẽ chỉ nằm im như tượng trong ngăn hồ sơ mà thôi.

Hãy bỏ bớt việc dự đoán, hãy quyết định những gì bạn sẽ làm trong một tuần chứ không phải một năm. Hãy tìm ra điều quan trọng tiếp theo và thực hiện nó. Hãy ra quyết định ngay trước khi bạn làm một việc gì đó chứ đừng ra quyết định qúa sớm.

Làm việc không cần kế hoạch cũng tốt thôi. Chỉ cần lên máy bay và cất cánh. Bạn có thể mua một cái áo sơmi đẹp, kem cạo râu và bàn chải đánh răng khi bạn vừa đến nơi.

Làm việc không cần kế hoạch có thể hơi đáng sợ. Nhưng mù quáng làm theo một kế hoạch chẳng dính dáng gì đến thực tế còn đáng sợ hơn.

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Đừng đánh giá cao việc học hỏi từ sai lầm


Trong thế giới khinh doanh, thất bại trở thành một việc không thể tránh khỏi. Bạn luôn nghe bên tai những điều như cứ 10 doanh nghiệp được mở ra thì hết 9 là thất bại. Bạn nghe các cơ hội kinh doanh của bạn quá mong manh. Bạn nghe thất bại tạo thêm động lực để tiến lên. Và nhất là bạn thường nghe lời khuyên: "Thất bại là mẹ thành công".

Với những thất bại đang đầy rẫy xung quanh, bạn không thể nào đẩy nó ra khỏi cuộc sống của mình được. Nhưng cũng đừng để nó ăn sâu vào người bạn. Đùng để mình bị các con số phân tích, thống kê đánh lừa. Người khác thất bại thì đó là thất bại của họ, không phải của bạn.

Nếu người khác không thể đưa sản phẩm của họ ra thị trường thì nó đâu có liên quan gì đến bạn. Nếu người khác không thể xây dựng được một đội ngũ làm việc tốt cũng chẳng liên quan gì đến bạn. Nếu người khác không thể định giá đúng dịch vụ của mình thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bạn. Nếu người khác vung tay quá trán so với mức thu nhập của họ thì ... xem nào, giờ bạn đã hiểu ra nguyên lí đó rồi chứ.

Một nhân thức sai lầm khác đó là học hỏi từ thất bại của bản thân. Bạn thật sự học gì từ những thất bại chứ? Đó là bạn biết những điều không nên lặp lại, nhưng liệu điều đó có ích gì khi bạn vẫn không biết bạn nên làm gì vào những lần sau?

Thay vào đó, hãy làm ngược lại bằng cách học hỏi từ chính thành công của bạn. Thành công cho bạn vũ khí thực sự. Khi thành công trong việc gì đó, bạn biết được làm gì thì hiệu quả và bạn có thể tiếp tục thực hiện việc đó ở những lần sau. Và biết đâu lần sau, bạn có thể làm tốt hơn vậy.

Thất bại không phải là điều kiện tiên quyết để thành công. Một nghiên cứu của Harvard Business School cho thấy rằng các doanh nhân thành công thường có cơ hội tiếp tục thành công cao hơn (tỷ lệ thành công trong tương lai của họ là 34%). Trong khi đó, những người mà công ty thất bại ngay từ ban đầu gần như có cùng tỷ lệ thành công với những người mới khởi nghiệp (tỷ lệ là 23%). Như vậy, thành công của những người từng trải qua thất bại ngang hàng với những người mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực kinh doanh. Chỉ có thành công mới thật sự là kinh nghiệm quý báu.

Điều này thật ra cũng không có gì đáng bất ngờ. Đó cũng chính là quy luật của tự nhiên. Tiến hóa không dựa trên những thất bại của quá khứ mà nó luôn luôn xây dựng trên những gì đã thành công. Bạn cũng nên như vậy.

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Hãy quên đi thực tế cuộc sống


"Chuyện đó không làm được trong thực tế đâu". Chắc hẳn bạn thường nghe lời khuyên này khi nói với một ai đó về một ý tưởng mới của mình.

Thực tế cuộc sống nghe có vẻ là nơi cực kì buồn chán. Đó là nơi các ý tưởng mới, phương pháp lạ và những khái niệm ngoại lai luôn thất thế. Chỉ có những gì người ta đã biết và từng làm mới được chào đón và đánh giá cao, cho dù những điều đó có nhiều khiếm khuyết hoặc kém hiệu quả.

Hãy nhìn sâu hơn vào vấn đề và bạn sẽ phát hiện ra con người của thế giới thực này luôn đầy sự bi quan và tuyệt vọng. Họ mong chờ những khái niệm mới sẽ thất bại. Họ cho rằng xã hội chưa sẵn sàng hoặc không có khả năng thay đổi.

Điều tệ hại hơn là họ muốn kéo kẻ khác cùng xuống mồ với họ. Nếu bạn tràn trề hy vọng và đầy nghị lực, họ sẽ cố thuyết phục để bạn tin rằng các ý tưởng của mình là bất khả thi. Họ sẽ bảo bạn đang lãng phí thì giờ của mình.

Đừng tin họ. Thực tế cuộc sống đó có thể là thật đối với họ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cũng phải sống trong đó.

Chúng tôi biết vậy vì công ty của chúng tôi không thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống này theo bất cứ cách nào. Trong thực tế, bạn không thể có hơn một tá nhân viên làm việc ở cả tám thành phố trên 2 châu lục. Bạn cũng không thể thu hút hàng triệu khách hàng mà không cần bất cứ nhân viên bán hàng hay chiến dịch quảng cáo nào. Và bạn cũng không thể tiết lộ bí quyết thành công của mình cho cả thế giới biết được. Tuy nhiên chúng tôi đã làm tất cả điều đó và vẫn phát đạt.

Thực tế cuộc sống không phải là một nơi chốn mà chỉ là lời biện hộ. Nó là một lời bào chữa để không cần nỗ lực vì bất cứ điều gì. Thực tế đó, thật ra chẳng liên quan gì đến bạn.

(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)

Tự nhiên nhớ cái gì


Lâu quá không viết gì, tự nhiên muốn viết gì, nhưng chẳng biết viết gì. :))

Phong trào Hippie

Tự nhiên mấy bữa nay tui có động lực muốn hoàn thành bài viết về phong trào Hippie này. Đây là một phong trào đã từng bùng nổ rất mạnh mẽ và lan rộng nhanh chóng trong xã hội phương Tây. Nó không những tác động sâu rộng tới trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trào lưu văn hóa phương Tây và thế giới trong thế kỉ 20. Và cũng có thể nói không ngoa rằng nó cũng đã góp phần không nhỏ vào việc đưa đến kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Trước khi đọc tiếp, cùng nghe qua 1 bàt hát để lấy khí thế cái đã. Bài này có tên là "Hippy Hippy Shake" thuộc thể loại Rock&Roll ra đời vào năm 1959 do ông nhạc sĩ tự sáng tác và tự hát, Chan Romeo, còn bản dưới đây là của The Beatles ghi âm vào tháng 7 năm 1963.



Rồi, bây giờ bắt đầu thử tìm hiểu về Hippie qua định nghĩa của từ điển xem trước coi Hippie là gì:

Từ điển Lạc Việt: (từ Mỹ, nghĩa Mỹ) thanh niên lập dị chống lại những qui ước xã hội, híp pi.

Từ điển Oxford: Những người không muốn sống theo nguyên tắc thông thường trong XH phương Tây, thường để tóc dài, quần áo lòe loẹt và dùng ma túy bất hợp pháp, nở rộ vào những năm 1960.

Còn theo định nghĩa của Wikipedia thì:

"Hippy là một phong trào thanh niên phát sinh tại Hoa Kỳ trong thời gian giữa những năm 1960 và lan rộng sang các nước khác trên thế giới, với tôn chỉ: con người có một phần động vật, nên nó thuộc về tự nhiên vì thế phải trả nó về tự nhiên, đừng lấy các quy phạm xã hội cứng nhắc áp đặt nó.

Thí dụ: họ thích cạo đầu trọc hoăc để tóc dài; mặc quần jean hay áo thủng, thậm chí nó rách hoặc hở hang, đi vào những nơi sang trọng, đó là quyền của họ, không ảnh hưởng tới ai, xã hội đừng lấy quan niệm hiện tại mà phê phán. Từ đó suy rộng ra, họ có thể làm bất cứ điều gì với bản thân miễn không ảnh hưởng tới xã hội là được.

Lối sống "Make love, not war" là thế, họ phản đối chiến tranh vì quân đội không có tự do và chiến tranh không đem lại hạnh phúc cho nhân loại, khi chưa có gia đình họ thích ai thì quan hệ với người đó, với điều kiện người đó phải đủ tuổi thành niên, họ đòi được sống trong rừng quốc gia hoặc tắm những bãi biển không mặc đồ tắm v.v."


Như vậy, có thể hiểu Hippie là từ lóng chỉ những thanh niên thích sống lập dị, luôn ở xu thế đối lập với những quy ước gò ép của xã hội.

Khởi nguồn của nó là từ chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) một phong trào triết học và văn hóa nổi tiếng của những triết gia như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, sinh ra sau chiến tranh thế giới lần thứ II đến những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ vào những năm 1960 rồi từ đó sinh ra phong trào Hippie.

Nói thêm về 2 ông Jean-Paul Sartre và Albert Camus một chút. Trước hết là Jean-Paul Sartre, ông này có một quyển sách tên là "Buồn nôn" (La Nausée) là cuốn tiểu thuyết thể hiện rất rõ chủ nghĩa hiện sinh của ông. Cuốn này đã từng được NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản vào năm 2008, đã có lần tui đã thấy nó ở nhà sách nào đó nhưng lúc đó không có tiền mua, sau này đi kiếm thì không còn thấy nó nữa. :-( Còn về Albert Camus thì lại có nhiều sách đã được xuất bản hơn (ý là có thể đi ra mua được ở nhà sách chứ tui không nói đến những cuốn đã xuất bản nhưng kiếm mua không ra) nhưng muốn kiếm mua chắc cũng phải chịu khó một tí, quyển dễ kiếm nhất của ông có lẽ là quyển "Ngộ nhận" (Le Malentendu) do Bùi Giáng dịch.


Lại nói xa hơn một chút về chủ nghĩa hiện sinh. Tui thì không đọc nhiều lắm về vấn đề này, nhưng cứ theo định nghĩa sau của Walter Kaufmann thì có lẽ cũng phần nào hiểu rõ nó là gì. Chủ nghĩa hiện sinh đó là "sự từ chối gia nhập bất cứ trường phái tư tưởng nào, sự bác bỏ rằng không có bất cứ niềm tin hay đặc biệt là hệ thống niềm tin nào là thỏa đáng, và một sự thất vọng rõ rệt đối với triết học truyền thống vì nó bề nổi, hàn lâm, và xa cách với cuộc sống".

Đọc cái định nghĩa này, đối chiếu với những gì ta chứng kiến về giới trẻ hiện nay đang thể hiện, có thể thấy rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hiện sinh. Chúng ta đang rơi vào hoàn cảnh xã hội gần giống như những gì giới trẻ phương Tây đối mặt cách đây khoảng 40-50 năm (tất nhiên là với một bối cảnh khác, một câu chuyện khác, và một không gian khác).

Rồi thôi quay lại nói về hippie, có lẽ đặc điểm chủ yếu của hippie như ta thấy đó là đề cao sự tự do tuyệt đối, tính đa phong cách, có phần quái dị và sôi động. Chính vì lẽ đó mà phong trào này đã thu hút được rất nhiều người nổi tiếng tham gia và được cả giới trẻ ủng hộ hết mình qua khẩu hiệu nổi tiếng của nó là "Make love, not war" (làm tình chứ không gây chiến).

Bên cạnh đó, vì phong trào này xuất hiện cùng lúc với sự nổi lên của "Cách mạng tình dục" nên người ta cũng thường hay nhắc đến phong trào hippie như là một trào lưu "yêu cuồng và sống gấp" ở phương Tây những năm 1960s. Ngoài ra còn một dấu ấn xấu khác về hippie là việc sử dụng thuốc kích thích, đặc biệt là việc sử dụng cần sa và các chất gây ảo giác. Chính những hệ lụy không hay này đã góp phần làm cho phong trào hippie lụi tàn và các ảnh hưởng của nó cũng vì đó mà mất theo.


Bài hát trên "Blowin' in the Wind" được Bob Dylan sáng tác năm 1962, là một trong những nhạc phẩm tuyệt vời nhất của ông. Lời bài hát này có câu "The answer, my friend, is blowing in the wind/ The answer is blowing in the wind" (tạm dịch: "Câu trả lời, bạn tôi ơi, là hãy cuốn theo cơn gió/ Câu trả lời đó là để gió thổi bay đi") ý tưởng của câu này cùng vài đoạn khác trong bài này ta dễ thấy có được vài sự trùng lắp với ý tưởng trong bài hát "Để gió cuốn đi" của Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1973 "Để làm gì em biết không? / Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi". Tui nói vậy thôi chứ tui chẳng có ý nói ai đạo nhạc hay gì đâu nha, mong các bạn không suy diễn lung tung.

Khi ta nói đến phong trào hippie thì cần phải nói đến cả 2 lĩnh vực là âm nhạc và thời trang. Ban nhạc The Beatles khi ấy được xem là linh hồn của phong trào hippie và cũng chính từ đây mà sinh ra xu hướng thời trang mang phong cách Hippie. Ở đây, tui sẽ nói về thời trang trước, vì cái này tui dở nên chỉ nói vắn tắt thôi. Thời trang theo phong cách hippie với biểu tượng là những trang phục có hoa văn, họa tiết sặc sỡ, áo vải hở cổ, quần jeans ống loe, áo sơ mi hoa hòe bó sát người hay chiếc áo khoác có viền tua tua kiểu da đỏ ... bạn có thể xem cụ thể hơn qua cái guide dưới đây. :-D

Và cụ thể là đây:


Rồi tui chỉ có thể nói sơ sơ như vậy về thời trang thôi vì tui cũng chẳng biết gì nhiều hơn để mà nói. Còn về phần âm nhạc, trước hết phải nhắc đến một nhân vật đó là John Lennon của nhóm The Beattles. Ông này có hai bài hát rất nổi tiếng trong giai đoạn này là bài "Give Peace a Chance" vào năm 1969 và "Imagine" năm 1971. Nói về bài "Imagine" thì đây có thể xem là một bài hát về lí tưởng "chủ nghĩa xã hội" rõ nét và hay nhất mà tui từng biết :-D rất may John Lennon không phải là cộng sản.



Trong giai đoạn này có 3 cặp hát nhạc rất hay mà tui biết, được trải dài ở cả 3 châu lục Á-Âu-Mỹ đó là John Lennon và Yoko Ono ở Anh, Bob Dylan và Joan Boez ở Mỹ, và cuối cùng là Khánh Ly và Trịnh Công Sơn ở Việt Nam. Tất nhiên sẽ có những so sánh khập khiễng khi để những tên tuổi này cạnh nhau, như ở Việt Nam đã xuất bản cuốn sách "Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: Như trăng và nguyệt?" có nói về vấn đề này, ở đây tui không đào sâu chuyện này.

Riêng bài này, để kết bài tui sẽ chỉ nói về cặp đầu tiên còn 2 cặp sau chắc sẽ nói ở dịp khác. Chuyện là vào năm 1969 John Lennon và Yoko Ono tổ chức “Bed-Ins for Peace” (Tuần trăng mật trên giường), kéo dài 2 tuần ở Amsterdam và Montréal nhằm cổ đồng hòa bình thế giới đồng thời chống chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh John và Oko nằm trên giường với một ít vải che thân được báo chí đăng tải và tạo nên một làn sóng nổi tiếng lúc bấy giờ. Vào tháng 8/2011, Yoko Ono đã đưa lên Youtube bộ phim Bed Peace với những hình ảnh kể lại chi tiết về câu chuyện này.

Ảnh bìa của tạp chí âm nhạc Rolling Stone vào ngày 22/1/1981
Bức ảnh trên được tung ra làm trang bìa của Rolling Stone sau cái mất của John Lennon. Vụ ám sát John Lennon vào năm 1980 cũng được xem là một trong những vụ ám sát nổi tiếng nhất thế giới và tên thủ phạm bắn ông đến nay vẫn còn đang ngồi tù do sự phản đối mãn hạn tù từ người vợ ông, bà Yoko Ono.

Cũng cần bổ sung thêm về âm nhạc một tí, thật ra ngoài những tên tuổi đã nêu như trên kia thì còn rất nhiều những tên tuổi vang bóng một thời như Simon & Garfunkel; The Grateful Dead; Peter, Paul & Mary ... nói chung là nhiều lắm chứ không chỉ có The Beatles không thôi nha.

Rồi, ngày lễ đọc nhiêu đây (với thêm mấy cái link) cũng đủ oải rồi, mà thiệt ra tui viết + copy + biên tập lại cũng oải nên thôi hẹn bài sau viết ngắn hơn vậy. :-D

Bài này viết dựa vào những nguồn tư liệu ở dưới đây, muốn đọc kĩ hơn bạn có thể vào đó đọc tiếp:
http://en.wikipedia.org/wiki/Hippie
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hippy
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=401813769916278
http://www.lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=27402
http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?t=2215
http://ttxva.org/toi-noi-loan-vay-chung-ta-ton-tai/

Chợ Lớn là chợ nào?

Chợ Bình Tây
Tờ Thể Thao Văn Hóa có bài viết ở đây nêu thắc mắc của một bạn về việc tại sao phim "Bụi đời Chợ Lớn" lại được dịch thành China Town, tui xin được trích lại những ý chính từ bài đó như sau:

"[...] Chuyện phim lấy bối cảnh Việt, người Việt, diễn ra ở TP.HCM, một thành phố lớn nhất Việt Nam sao lại dùng cụm từ “ChinaTown”, liên quan đến Trung Quốc??? [...]

Thế có nghĩa, cái bối cảnh trong phim được chỉ đích danh là Chợ Lớn, thuộc TP Hồ Chí Minh của Việt Nam lại được tác giả kịch bản coi là của người Trung Quốc hay sao?

Và cũng có nghĩa khi bộ phim được duyệt và công chiếu rộng rãi ở ngoài phạm vi biên giới quốc gia thì mặc nhiên, khán giả nước ngoài sẽ hiểu rằng Chợ Lớn là của người Trung Quốc?

Không rõ ý đồ của tác giả kịch bản khi chọn tựa tiếng Anh ChinaTown cho Bụi đời Chợ Lớn là gì? [...]"


Tui không biết tờ báo này, hay cái bạn đọc nêu ý kiến thắc mắc này có biết qua lịch sử về địa danh Chợ Lớn và hiểu nghĩa từ tiếng Anh "China Town" hay không mà có những câu hỏi ngô nghê đến như vậy. Tui nghĩ ai muốn biết về nguồn gốc Chợ Lớn có thể đọc qua trên Wikipedia tiếng Anh ở đây, viết rất dễ hiểu, để có thể hiểu được tại sao Charlie Nguyễn lại dùng từ China Town. Hoặc nếu lười đem vô goole dịch có thể bạn đọc qua mấy cái tóm tắt của tui ở dưới đây về nguồn gốc địa danh này.

Có thể lược qua lịch sử một chút như sau. Vào năm 1778 khi chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh nổ ra, quân Tây Sơn tràn vào Nam truy sát Nguyễn Ánh, những người Hoa ở vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa - ai không biết đó là đâu thì bấm vào link) vì giúp đỡ nhà Nguyễn Ánh nên cũng bị quân nhà Tây Sơn tàn sát. Những người sống xót phải chạy dọc theo dòng sông Tân Bình (Bến Nghé), di tản về vùng đất ở giữa đường đi Cù Lao Phố và Mỹ Tho đại phố để trú ngụ, tức là vùng Chợ Lớn ngày nay.

Năm 1782 họ lại bị quân nhà Tây Sơn tàn sát thêm một lần nữa, sau đó họ xây dựng lại, đắp đất bồi đê cao lên, lập chợ và buôn bán tại đây, nên đặt tên chỗ mới là Đề Ngạn. Họ dùng danh từ "Tây Cống" hoặc "Xây-cóon", "Xi-cóon" để ám chỉ vùng người Việt ở, tức chợ Bến Thành ngày nay.

Đề  Ngạn (堤岸; Đề là đê; ngạn  là  bờ) có nghĩa là trên bờ sông, bờ đê - ở đây chỉ sông  Bến  Nghé (Tân  Bình). Đề Ngạn, đọc theo âm Quảng Đông là “Thầy ngòn” mà Tây dịch âm là Tai-ngon (từ  âm  Quảng  Đông),  hay  TIN-gan  (từ  âm  Quan  thoại). Cụ Vương Hồng Sển có dẫn từ sách của Francis Garnier (1866) nói về Chợ Lớn như sau:

"... Ceux-ci abandonnèrent Cou-lao-pho,  remonterent  de  fleuve  de Tan-Binh,  et  vinrent  choisir  la  position  actuelle  de ChoLen. Cette création date d'envinron 1778. Its appelèrent leur nouvelle résidence Tai-Ngon, ou Tin-Gan. Le nom transformé par les Annamites en celui de Saigon  fut depuis appliqué à tort, part  l'expédition  francaise, au Saigon actuel dont la dénomination locale est Ben-Nghe ou Ben-Thanh ...”

Phố cổ Chợ Lớn trên bản đồ ngày nay. Cái ô vuông vuông phía bên trái chính là chợ Bình Tây ở phía trên.
Danh từ “Thầy ngòn” phổ biến ở người Hoa, dành cho phố xá mà Tây viết là Cho-Len, còn người Việt không gọi  phố người Tàu là "Thầy ngòn", mà gọi  là  Chợ Lớn có lẽ vì nói không quen tiếng "Thầy ngòn". Thêm vào đó lúc xưa, ở vùng Bưu điên Chợ Lớn có cái chợ rất lớn nên có thể người Việt đã gọi theo đặc điểm này. Hiện tại, Đề Ngạn (堤岸) vẫn được dùng trong tiếng Hoa để chỉ khu vực Chợ Lớn.

Túm lại, dẫu có tên là gì thì cũng có 2 điều thấy rõ như sau:

1. Chợ Lớn vốn dĩ là vùng đất mà người Hoa sinh sống rất đông, từ rất lâu đời. Hễ nói đến Chợ Lớn là người ta biết ngay tới vùng đông đảo người Hoa sinh sống và làm ăn tại đây.

2. China Town, dịch sang tiếng Việt là phố Tàu, là một thuật ngữ tiếng Anh xuất hiện ở khắp mọi nơi từ Á sang Âu và có mặt tại 32 bang ở nước Mỹ. Nói chung nơi đâu có người Hoa sinh sống quần tụ lại thành 1 cộng đồng thì người ta gọi đó là China Town. Nó không phải là tên địa danh mà là 1 thuật ngữ và cũng không có hàm ý là nó là đất thuộc Trung Quốc.

3. Có một chú trên FB của tui có đề xuất, thay vì đặt tên phim "Bụi đời Chợ Lớn" là "China Town" nghe nó Tàu hóa, thôi thì ta đặt tên là "Big Market Life Dust" cho nó dân dã và thuần Việt :-))

Yêu nước là tốt, nhưng yêu nước mù quáng thì ...
Contact Me

Email

me@minhquan.info

Website

www.minhquan.info