Bệnh nghiện việc
Mọi người hay có khuynh hướng ca ngợi những người tham công tiếc việc, trầm trồ thán phục những người làm việc thâu đêm suốt sáng ở công ty. Hình ảnh đó được xem là biểu hiện của vinh dự, xả thân vì sự nghiệp. Đối với những người này, công việc dường như không bao giờ có giới hạn.
Tuy nhiên, chứng bệnh nghiện việc này thật ra chẳng những không cần thiết mà còn thật là dại dột. Làm việc nhiều hơn không có nghĩa là bạn quan tâm và hoàn tất được nhiều việc hơn, mà nó chỉ đơn thuần là bạn làm việc nhiều hơn thôi. Những người nghiện việc rốt cục sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là những việc họ thực sự giải quyết được bởi cách làm việc như thế sẽ không thể tồn tại lâu qua thời gian, và đến khi kiệt sức (điều này chắc chắn xảy ra) thì những tổn hại mà họ phải hứng chịu là rất lớn.
Những người tham công tiếc việc cũng không nắm được cốt lõi của vấn đến. Họ cố gắng giải quyết rắc rối chỉ toàn bằng cách bỏ thêm thật nhiều thời gian. Họ cố gắng bù đắp cho sự lười biếng tư duy bằng lao động thể lực. Việc này sẽ đưa đến những giải pháp thiếu thông minh và không thực tế.
Họ thậm chí còn tạo ra những cơn khủng hoảng. Họ không tìm cách để làm việc hiệu quả hơn bởi vì họ thực sự thích làm việc ngoài giờ. Họ tận hưởng cảm giác thấy mình là những vị anh hùng. Họ tao ra rắc rối (thường là một cách vô thức) để có thể làm việc nhiều hơn. Người tham công tiếc việc làm cho những người không ở lại làm việc muộn cảm thấy mình không xứng đáng vì chỉ làm việc đủ giờ. Điều đó dẫn đến cảm giác tội lỗi và sụt giảm tinh thần của mọi người. Thêm vào đó, nó dẫn đến tâm lý dán chặt mông vào ghế - mọi người ở lại muộn, thậm chí không biết để làm gì và năng suất công việc cũng chẳng cải thiện được là bao.
Nếu trí não luôn hoạt động bạn sẽ khó mà phán quyết sáng suốt. Cách định giá trị và ra quyết định của bạn sẽ bị lệch lạc. Bạn không còn khả năng quyết định việc gì là đáng cố gắng còn việc gì thì không. Và rồi sau cùng bạn chỉ chuốc lấy sự chán chường và mệt mỏi. Chẳng ai có thể đưa ra những quyết định nhạy bén khi tinh thần đang xuống dốc cả.
Rốt cục, người tham công tiếc việc không gặt hái được nhiều hơn người làm việc bình thường. Họ có thể tuyên bố mình là người hoàn hảo, nhưng thật ra họ đang lãng phí thời gian, cứ chăm chăm vào những tiểu tiết vụn vặt thay vì chuyển sang công việc khác.
Người tham công tiếc việc không phải là những anh hùng. Họ không tiết kiệm được thời gian, họ chỉ sử dụng cho hết quỹ thời gian của mình. Vị anh hùng thực sự đã về nhà từ lâu vì anh ta tìm ra cách làm việc nhanh lẹ hơn.
(Dịch từ "Rework" của Jason Fried & David Heinemeier Hansson)
0 nhận xét:
Post a Comment