-->

I am ...

an engineer,

a writer,

... and

a lover.

Tui là Quân,

Tui là 1 kẻ xấu xí, vô duyên, nhiều chuyện, lười biếng, hậu đậu, ngạo mạn, kiêu căng, ngang tàng, bướng bỉnh, bảo thủ, thù dai, cau có, khó chịu, đanh đá, dữ dằn, cộc cằn, lì lợm, hiềm khích, ganh tỵ, tiểu nhân, nham hiểm, ích kỉ, độc ác, tham lam … nếu bạn vẫn thích những điều đó từ tui thì tui rất vui được làm quen với bạn.

My Blog

Giáo viên quốc dân


(Ngày mai là ngày NGVN nhưng đây lại là chuyện bên HQ chứ không phải chuyện VN nhen :D)

Người 'giáo viên quốc dân' ở Hàn Quốc lại không làm nghề giáo mà lại làm vua. Tên của ông là Sejong (Thế Tông). Sau khi lên ngôi vua năm 21 tuổi, ông đã cho thành lập Chiphyonjon (Tập Hiền Điện) là nơi chiêu tập hiền tài nhằm chấn hưng đất nước. Ở nơi đó, ông cùng với các vị học giả của mình đã sáng tạo nên bảng chữ cái tiếng Hàn - Hangeul, nhằm thay thế bảng chữ cái trước đó là Hanja (Hán tự).

Trong Hangeul, những phụ âm được vận dụng theo thuyết âm dương ngũ hành, các kí hiệu mô phỏng theo hình dáng của các cơ quan phát âm như lưỡi, môi, răng, cổ, họng (ㄱ, ㄴ, ㅁ, ㅅ, ㅇ); còn các nguyên âm thì thể hiện theo thuyết thiên địa nhân (ㆍ, ㅡ, ㅣ). Đây là một trong những hệ thống văn tự khoa học, độc đáo với triết lí sáng tạo mà đã được UNESCO ghi nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Nhưng điều muốn nói ở đây không phải là Hangeul mà chính là tinh thần vĩ đại đằng sau việc tạo ra nó. Đó là tinh thần khai minh và bác ái của nhà vua Sejong.

Trong triều đại Joseon lúc bấy giờ, người biết đọc biết viết chủ yếu là thành phần quý tộc thượng lưu. Người nông dân hầu như không biết chữ vì chữ viết rất khó học, khó viết còn họ thì không có thời gian để nghiên cứu nó.

Tầng lớp quý tộc đối xử với tầng lớp nông dân như là động vật chỉ vì họ không biết chữ. Giá trị của họ được coi không hơn gì các con vật được nuôi trong trang trại. Nhiệm vụ của những kẻ thất học ấy là phải biết phục tùng và tôn trọng những người có học. Đó là quan điểm và triết lý của tấng lớp thống trị lúc bấy giờ.

Nhưng nhà vua Sejong đã không đồng tình với quan điểm đó. Ông muốn dạy cho người dân của mình biết chữ để họ có thể đọc sách, xem các cáo thị của triều đình, hiểu biết về luật lệ, các giao kèo... Ngôn ngữ cũng là công cụ để giúp người dân chứng minh sự vô tội của mình khi họ hiểu rõ hơn về luật lệ và không bị ép buộc nhận tội bởi những bản án viết sai sự thật.

Một điều vĩ đại khác là vua Sejong đã giảm thị lực đi rất nhiều trong quá trình tạo ra chữ Hangeul. Ông ấy đã từ bỏ đi thị lực của bản thân để phát minh ra chữ viết riêng cho dân tộc mình. Với một mong muốn mang chữ viết, giáo dục để thúc đẩy sự bình đẳng, ấm no đến với mọi tầng lớp người dân. Đó mới chính là sự vĩ đại của một 'giáo viên quốc dân'.

Male Tax - Thuế đàn ông



Sau một hồi đánh vật với chữ nghĩa thì tui tạm nghỉ ngơi bằng cách tám nhảm như thường lệ.

Chuyện là đầu tháng vừa rồi ở Manhattan, New York - có một tiệm thuốc tây tên là Thompson Chemists đã nghĩ ra một chính sách bán hàng độc đáo và gây nên rất nhiều tranh cãi về mặt đạo đức, kinh tế và cả luật pháp với tên gọi "Man Tax". Cụ thể là chủ tiệm quyết định sẽ miễn thuế cho tất cả phụ nữ và tính mức thuế 7% cho cánh đàn ông khi bước chân vào tiệm mua đồ.

Có nhiều lý do được người ta đưa ra để lý giải cho quyết định này của cô chủ tiệm. Nhiều người thì nghĩ rằng ắt hẳn cô chủ rất ghét ông Donald Trump và là người ủng hộ bà Hillary. Nguyên do là ông Trump bị gán cho cái tội hay khinh miệt phụ nữ và né thuế liên bang nhiều năm liền nên bị rất nhiều người ra sức phản đối bằng các hình thức khác nhau.

Nhưng thật ra còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn và khoa học hơn. Đó là dựa theo một nghiên cứu của Cơ Quan Bảo Vệ Người Tiêu Dùng New York (New York City Department of Consumer Affairs) đã chỉ ra rằng, tính trung bình, thì giá các sản phẩm dành cho phụ nữ thường đắt hơn 7% so với sản phẩm tương tự dành cho nam. Còn nếu là sản phẩm chỉ dành riêng cho từng giới thì mức chênh lệch này lên đến 13%. Đó là chưa kể đến sự bất bình đẳng về lương bổng khi phụ nữ chỉ được trả bằng 79% số lương mà nam giới nhận được cho cùng một công việc.

Những điều này cũng được cô chủ tiệm thuốc đưa ra để giải thích cho quyết định của mình. Trả lời phỏng vấn cô nói rằng mình không hề muốn đá động đến chuyện phân biệt giới tính hay bầu cử gì cả. Mục đích của cô thật ra chỉ muốn cho mọi người biết về việc tồn tại sự bất công khi mà phụ nữ phải trả thêm rất nhiều tiền cho những thứ 'vật dụng thiết yếu' của mình.

Nhưng sự đời đâu có dễ vậy, thay vì chia sẻ với thông điệp tích cực của cô chủ tiệm thì rất nhiều người đã vào fanpage của tiệm này comment chửi rủa, số khác thì kêu gọi tẩy chay tiệm. Còn cô chủ tiệm thì cũng chỉ cười, cổ nói mấy người chửi rủa cổ thật ra là vì đang quá bực bội với ông Trump và bà Hillary nên tìm cớ trút lên đầu cô. Nhưng cô không quan tâm vì... cô thích thì cô làm thôi.

Nói chung thì, làm phụ nữ thật là tốn kém và đầy thị phi. :D

Bà đồng chính trị


Chuyện bên Hàn Quốc, số là bà tổng thống đương nhiệm bị tố là con rối vì làm theo mọi lời cố vấn từ bà bạn thân. Bà bạn thân này thì mặc dù không có vị trí chính thức nào nhưng lại được đối xử như là quan nhiếp chính, được phép xem qua các hồ sơ mật, chỉnh sửa diễn văn và có những tác động đến các quyết định của bà tổng thống.

Nói về mối quan hệ bạn bè của bà quân sư này với bà tổng thống cũng thiệt là éo le. Bà quân sư là con gái của một ông giáo chủ, ông này thì từng làm cha đỡ đầu cho bà tổng thống lúc nhỏ khi bà này mồ côi mẹ và làm cố vấn cho bà đến khi ông mất. Người ta nói rằng ông này được ưu ái là do có khả năng tiếp xúc với linh hồn của mẹ bà tổng thống.

Bởi vậy khi thông tin lộ ra người dân mới giận dữ vì cho rằng bà tổng thống trọng dụng bà bạn thân như vậy rất có thể là do bị bùa mê thuốc lú gì đó của bà bạn này mê hoặc tương tự như những gì cha bà đã từng làm trước đây.

Bây giờ thì người ta truy tố bà quân sư với tội danh lạm dụng mối quan hệ riêng với tổng thống để gây sức ép với các tập đoàn kinh tế lớn khiến họ phải tài trợ cho hai quỹ phi lợi nhuận liên quan đến bà mà khoản tiền đóng góp lên tới 50 tỉ won (~44 triệu USD).

Hiện tại thì bà này đã rời Hàn Quốc trốn sang Đức. Có vẻ nước Đức đang là địa chỉ hot của mấy vụ trốn tội kiểu này.

Em quan tâm anh, anh quan tâm em


Được quan tâm và bị quan tâm hẳn nhiên là hai phạm trù đối lập. Một cái làm người ta thích và cái còn lại thì thấy rất phiền. Nhưng dẫu cho có thấy thích hay phiền thì chí ít cũng phải thấy đó là điều may bởi vẫn còn được ai đó quan tâm.

Nếu xét về cuộc đời của một con người bình thường có đầy đủ cả cha lẫn mẹ lúc chào đời và rồi sau đó lớn lên có người yêu, lập gia đình, sinh con và nếu sống đủ lâu thì sẽ có thêm cháu, chắt... cứ như thế mà sống trọn vẹn hết một kiếp người thì ta có thể phác thảo nên một chuỗi mối quan tâm theo thời gian như sau:

Ở tuổi thiếu niên, ta chẳng quan tâm đến ai nhưng ai cũng quan tâm đến ta.

Ở tuổi dậy thì, kẻ ta để ý thì không quan tâm đến ta, kẻ ta không ưa lại đến muốn "lo" cho ta.

Ở tuổi thành niên, sẽ có những người may mắn ngày càng được nhiều người quan tâm nhưng bản thân người đó lại không biết nên quan tâm ai. Ngược lại cũng có những người quan tâm đến rất nhiều người nhưng chẳng ai thèm quan tâm đến.

Ở tuổi trung niên, ai rồi cũng mất dần ánh hào quang, sự quan tâm vì thế cũng mất dần theo năm tháng, lúc này cần nhất là kiếm một người để chúng ta quan tâm lẫn nhau bởi khi đó chẳng ai màng đến ta nữa.

Ở tuổi lão niên, người ta quan tâm nhất thì đã bỏ ta ra đi, những kẻ ta quan tâm thì bảo nó không cần.

***

Khi nghe "Ngã chỉ tại hồ nhỉ" (Em chỉ quan tâm anh) của Đặng Lệ Quân tôi bỗng có một cảm xúc thật kì lạ. Mở đầu tôi đã có thể hình dung ra ngay từng khung cảnh một của cuộc trò chuyện giữa cô gái và chàng trai đang yêu nhau, sau những cuộc hoan lạc ái tình, nàng khẽ nép người bên cạnh anh và thầm nói với anh rằng nàng đã rất may mắn vì có anh trong cuộc đời mình. Trước anh chẳng hiểu nàng đã có thể sống được như thế nào, nhưng nàng biết từ khi có anh, anh đã là nguồn sống và là hơi thở của đời nàng.

Nhưng công thức của cái đẹp là bất hoàn hảo, bởi lẽ, đời chỉ đẹp những khi còn dang dở, tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Dẫu lí do là gì thì rồi chàng trai cũng rời xa cô gái. Còn cô, cô lại sống như trước đây cô đã từng sống dẫu cho nỗi đau đó kinh khủng đến dường nào. Nhưng liệu có ai giải thích được, sự chia ly ấy là bởi do đâu?

Tôi nghĩ mỗi người sẽ tự chọn cho mình một câu trả lời. Riêng tôi câu trả lời có lẽ làm nhiều người không hài lòng, sự chia ly đó là do sự quan tâm của cô gái. Trong cuộc đời này có muôn hình vạn trạng cách con người có thể chia sẻ cảm xúc với nhau. Những cái nắm tay hay chỉ là cái liếc nhìn đều chứa đựng trong mình những năng lượng to lớn vô tận có thể lấp đầy mọi cảm xúc. Thế nên ta lấy tiêu chuẩn gì, thước đo nào, để có thể cân đo đong đếm được sự quan tâm của người này dành cho người kia. 

Nếu thật sự cảm thấy mình chỉ là kẻ đơn côi, chỉ có cho đi mà không nhận được hồi đáp, thì thiết nghĩ đó cũng là lúc nên tính đến việc dừng lại hay rời xa, đừng cố chịu đựng thêm làm gì để mà đau khổ. Nhưng nếu đó chỉ là những lần thoáng qua, những giây phút bất chợt thì có nên chăng mà lưu luyến lại trong lòng. Sao không để nó trôi đi như gió thoảng mây bay để lòng mình được nhẹ lại.

Người đời bảo nam nữ khác nhau trong tình cảm. Các cô gái thường được gán cho các tính từ nhu mì, yếu đuối, trọng tình ... không có được sự cương quyết rạch ròi như những chàng trai. Tôi lại không nghĩ vậy, chẳng phải ta đã nghe "mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" đó sao. Họ mạnh mẽ lắm, họ lý trí lắm chứ chẳng phải đùa đâu. Nhưng họ cứ thích vin vào cái cớ ấy để khỏa lấp đi những vấn đề khác mà họ không muốn đối diện. Trong khi đó các chàng trai với vẻ ngoài đầy lý trí đó trong tình cảm đôi lúc lại có những nỗi sợ hãi mà chính hắn cũng không thể định hình được. Và do vậy, những áp lực những đè nén ấy cứ thay phiên nhau đè nén lên đầu chàng trai đến một lúc nào đó với chàng quyết định ra đi lại là một sự quan tâm cao độ nhất mà anh dành cho cô gái.

Cá nhân tôi nói theo ngôn ngữ thời đại là không sợ gì chỉ sợ mỗi chia ly. Tôi sợ lắm cái cảm giác bị đè nén, bởi tôi đã phải trải qua cái cảm giác đó một cách cực kì khó khăn. Từ sau đó tôi luôn tâm niệm rằng phải giải quyết cho kỳ cùng, cho bằng được những khúc mắc, phải luôn rạch ròi phải thấu hiểu đến từng chân răng kẻ tóc. Có người bảo như vậy là máy móc, là thiếu tình cảm. Vậy thì tình cảm suy cho cùng là sự thấu hiểu hay thỏa hiệp? Nếu chọn thấu hiểu thì cũng nên chấp nhận sự nhàm chán mà nó đem lại, còn chọn thỏa hiệp thì cũng nên lường trước với những rủi ro tiềm ẩn sẽ phải đương đầu ở tương lai.

Tìm kiếm sự hoàn hảo là rất khỏ, nhưng chấp nhận sống chung và vui vẻ với sự thiếu hoàn hảo thì cũng khó không kém. Thôi thì cứ hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi!



Còn dưới đây là lời việt cũng của bài hát này do ca sỹ TMQ đặt lời và trình bày (cũng cần minh định một chút là anh ca sỹ và người đang viết những dòng này là 2 người hoàn toàn khác nhau, xin đừng nhầm lẫn). Bài này được anh sáng tác trên cảm hứng của bộ phim Thượng Ẩn. Phim này nội dung như thế nào, chủ đề gì tôi xin phép không bàn tới, nếu có tò mò xin tự mình tìm hiểu. Tôi chỉ dẫn ra đây như một cái kết cho bài này mà thôi.

Can I Win If I Want?



Trong suốt cuộc hành trình dài của đời người, ta phải bước qua nhiều chặng đường, đối diện với nhiều ngã rẽ. Người hạnh phúc là người có cơ hội bước đi và dám đối mặt với những thách thức trên con đường mà mình mơ ước. Nhưng tiếc thay cả 2 điều đó không phải lúc nào ta cần cũng đều hiện diện và song hành, nên mỗi khi nhìn lại những chặng đường đã đi qua không ít lần ta phải luôn cảm thấy hối tiếc.

You packed your things in a carpet bag
Left home – never looking back...

Ta thường thấy ở người trẻ sự mạnh mẽ, ngông cuồng, nổi loạn... nhưng vẫn ẩn chứa ở đâu đấy lại là một nỗi sợ hãi khôn cùng. Đó là nỗi sợ về một tương lai vô định với những khung màu tươi sáng của ước mơ, của hoài bão dần biến mất theo thời gian, để lại những mảng màu đen tối xám xịt bao phủ dần theo năm tháng. Đó là nỗi sợ về sự cô độc khi xung quanh không có lấy người thân hay bạn bè nào để hiểu và chia sẻ. Và đó là nỗi sợ về kiếp người ngắn ngủi và vô thường.

Tuổi trẻ, ta không có quyền lựa chọn cho việc sẽ bước tiếp hay dừng lại, bởi nếu không tiếp tục bước thì ta sẽ chẳng có gì và cũng sẽ không còn gì. Bước tiếp là một nghĩa vụ, một đòi hỏi mà cuộc sống này buộc ta phải làm để chứng minh sự hiện hữu của mình và động lực để thúc đẩy ta bước đi là vì ta vẫn còn muốn tiếp tục sống chứ nó chẳng hề có phần thưởng nào cho ta ở cuối con đường cả.

You can win if you want
If you want it you will win
On your way you will see
That life is more than fantasy.

Có thể ta sẽ không được hưởng chiến thắng ở đích đến, nhưng chiến thắng ở mỗi chặng đường đã đi qua là điều ta hoàn toàn cảm nhận được. Nhưng những cảm nhận ấy ngoài ta ra thì có ai biết, và rồi biết chia sẻ cùng ai? Thất bại ê chề thì luôn được mọi người chú ý, nhưng chẳng thể trách ai được vì họ không có lỗi, lỗi là ở ta quá bất tài.

Và rồi đêm nay, trong lúc tự hỏi rằng liệu tôi có chiến thắng không, cũng là lúc tôi đang đổ lỗi cho chính mình...

Contact Me

Email

me@minhquan.info

Website

www.minhquan.info