-->

I am ...

an engineer,

a writer,

... and

a lover.

Tui là Quân,

Tui là 1 kẻ xấu xí, vô duyên, nhiều chuyện, lười biếng, hậu đậu, ngạo mạn, kiêu căng, ngang tàng, bướng bỉnh, bảo thủ, thù dai, cau có, khó chịu, đanh đá, dữ dằn, cộc cằn, lì lợm, hiềm khích, ganh tỵ, tiểu nhân, nham hiểm, ích kỉ, độc ác, tham lam … nếu bạn vẫn thích những điều đó từ tui thì tui rất vui được làm quen với bạn.

My Blog

Thương xá TAX

Tin trên báo VNexpress ngày hôm nay cho biết là Thương xá TAX sẽ bị đập trong cuối năm nay hay đầu năm tới để xây mới và cũng là để kết nối với tuyến Metro số 1 của Sài Gòn. Nội dung cơ bản là vậy nhưng vì bài báo kết thúc bằng đoạn sau mà tạo nên một làn sóng phản đối cho các bạn commenter:

"Được xây dựng vào năm 1880, Thương xá Tax cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBNDTP) được xem là những biểu tượng của Sài Gòn."

Thiệt ra tui là người hoài cổ, nhưng ở đây tui muốn một sự công bằng, nói thương xá TAX xây đã được 130 năm thì đúng. Nhưng nói nó là một biểu tượng kiến trúc của Sài Gòn sánh cùng với những công trình khác thời Pháp thuộc thì e là tui không đồng ý được.

Cái kiến trúc mà TAX hiện hữu tới ngày nay là một sản phẩm của sự thay đổi, mà tui cho là, có phần hổ lốn và thực dụng của những người làm chủ tòa nhà này theo từng giai đoạn lịch sử. Nó không còn lưu giữ lại một chút gì của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy nữa. Còn nếu nói nó là biểu tượng của thành phố này thì nó chính là hình ảnh sinh động nhất về cách con người ta đối xử bạc bẽo với những giá trị lịch sử của thành phố này.

Giờ thử coi lại lịch sử tòa nhà này để thấy nó đã thay đổi hoàn toàn như thế nào. (phần dưới đây được tổng hợp từ rất nhiều nguồn, văn phong và nội dung là do người khác viết, chỉ những đoạn bình luận ngắn là của tui)

Thương xá Tax lúc ban đầu được mang tên là Les Grands Magasins Charner (GMC) tu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp nhưng lại có những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Thật ra tại thời điểm mà GMC ra đời thì ở Việt Nam cũng có một tòa nhà khác có kiến trúc tương tự đó là Les Grands Magasins Reunis (GMR) tại Hà Nội mà nay ta đều biết đến với cái tên Tràng Tiền Plaza. Cả 2 tòa nhà đều thuộc sở hữu của một công ty đó là Société Coloniale des Grands Magasins (SCGM).

Grands Magasins Reunis (Trung tâm Thương mại Godard)

Les Grands Magazins Charner (hay còn gọi là Thương xá Charner) tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng "bazar" những sản phẩm đắt tiền, sang trọng được nhập cảng từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.






GMC thời đó cũng đăng quảng cáo trên báo, tự hào là “Cửa hàng rộng nhất; Nhiều mặt hàng nhất và là Thương xá tốt nhất” (Magasins les plus vastes; Magasins les mieux assortis; Magasins vendant le meilleur marché).

Năm 1942, việc kinh doanh lúc này rất thịnh vượng nên để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, SCGM đã xây thêm một tầng lầu và đập bỏ phần tháp đồng hồ ngoài mặt tiền. Thay vào đó là hàng chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà để khách có thể nhìn thấy từ xa.

Đối với những người Sài Gòn xưa, bộ mặt mới của GMC với 3 tầng lầu trong thập niên 1940 so với 2 tầng lầu nguyên thủy có phần “đồ sộ” hơn nhưng hình như tòa nhà đã đánh mất vẻ “cổ kính” với tháp đồng hồ mang những đường nét kiến trúc Á Đông.





Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu Dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê vị trí để buôn bán. Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, hàng hóa không khác mấy so với trước, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.







Bùng binh Cây Liễu ngày trước chẳng có cây liễu nào.
Sau ngày 30/4/1975 tòa nhà Thương xá Tax được giao lại cho UBNDTP, tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất nữa; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp.

Ngày 01/6/1978, một lần nữa Thương xá Tax được đổi tên thành Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố, với đội ngũ mậu dịch viên khăn quàng đỏ, đánh dấu sự náo nhiệt trở lại của tòa nhà sau một thời gian trầm lắng.

Đến năm 1981, trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà trước đó, UBNDTP quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng việc phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng và tòa nhà là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại một cách bền vững và lặng lẽ. Tuy nhiên, dấu ấn thời gian ngày một in hằn trên từng cây cột và từng mảng tường… bản thân tòa nhà cần được đầu tư sửa chữa một cách tổng thể.

Những năm cuối thập niên 90 của Thế kỷ 20, tòa nhà một lần nữa được cải tạo và chuẩn bị cho giai đoạn buôn bán tấp nập, thịnh vượng mới. Thời điểm này, tòa nhà trở thành một trung tâm giao dịch thực sự, hàng hóa tại đây vô cùng phong phú, từ hàng may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện. Việc giao thương với người Nga rất được chú trọng nên thời kỳ này tòa nhà còn có một tên gọi khác là “chợ Nga”.

Ngày 18/10/1997, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố được đổi tên thành Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA)

Ngày 19/01/1998, dòng chữ THƯƠNG XÁ TAX chính thức được đặt trên nóc tòa nhà thay thế dòng chữ Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa.


Ngày 26/4/2003, Thương xá TAX được đại tu toàn bộ tòa nhà để trở thành một trung tâm thương mại.
Đó là nói về những thay đổi ở bên ngoài, còn về nội thất bên trong thì có thể xem trong clip sau. Có thể thấy ngoài một số rất ít giá trị lịch sử còn lưu lại như hoa văn ở đại sảnh và cái cầu thang (mà nếu muốn người ta hoàn toàn có thể lưu giữ và tái tạo lại được) thì bên trong TAX bây giờ có một phong cách rất rất xấu.

Nó được pha trộn tạp nham đủ thể loại phong cách kiến trúc mà chướng mắt nhất với tui đó chính là những cây cột được ốp tấp hợp kim nhôm nhựa aluminium composite. Tui chẳng hiểu vì sao người ta lại cứ thích ốp cái tấm đó, thà để tường gạch hay xi măng còn đỡ chứ cái tấm đó nó cứ rẻ tiền kinh khủng làm sao đó.


Phải nói tòa nhà này trong mắt tui là rất xấu và nếu nó có bị đâp đi để xây lại thì cũng chẳng có gì đáng tiếc. Nhưng chỉ tiếc cái là, nếu nó được đập đi để rồi người ta có thể tái hiện lại toàn bộ hình ảnh của GMC (hay một phần) ở những ngày đầu thay vì cái hình ảnh của tòa nhà 40 tầng na ná như mấy cái hình dưới đây, thì thật là hay biết bao.


Đây là thiết kế có bãi đáp trực thăng trên nóc nhà nhưng cuối cùng đã bị bỏ. Còn dưới đây là thiết kế của công ty CL3 Architects Limited - Hong Kong. Không biết bản thiết kế cuối cùng phải là cái này không?


Contact Me

Email

me@minhquan.info

Website

www.minhquan.info