Lâu quá không chém gì cũng buồn nên nhân vụ Hãng A của anh T, người sắp xuất hiện trên TV với vai trò là cá mập, chưa kịp quẫy đã bị mắc cạn giữa dòng, mình sẽ chém một ít trên tinh thần vừa chia sẻ nỗi đau, vừa pha chút GATO với anh :D
Như mọi người đều biết chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, mọi sản phẩm được làm ra đều là sự kết hợp của rất nhiều công ty đến từ nhiều quốc gia khác nhau nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sẽ nói không ngoa rằng trên đời chẳng có thứ gì tử tế, có giá trị được làm ra chỉ bởi duy nhất 1 quốc gia cả (cho dù đó là TQ).
Ví như chiếc điện thoại Huawei P30 Pro với công nghệ chụp hình đỉnh cao 10x tưởng chừng như hoàn toàn "Made in China" thì toàn bộ camera của nó đều do Sony cung cấp mà nhà máy sản xuất rất có thể được đặt tại Thái Lan.
Bởi vậy nhắc lại một chuyện rất cũ mà lâu lâu người ta lại hay quên là khái niệm "Made in ..." theo lối hiểu của hơn 20, 30 năm về trước nay cần phải được thay đổi vì "em ngày xưa khác rồi".
Khác thế nào thì phải nói sâu hơn một tí bắt đầu từ một thứ gọi là Country of Origin hay ở ta còn gọi nó là C/O. Khởi thủy thì C/O của một sản phẩm chỉ quốc gia nơi sản phẩm đó được sản xuất, và thường được truyền đạt dễ hiểu đến đại chúng bởi cụm từ "Made in ...".
Tuy nhiên như đã nói ở trên, ngày nay việc sản xuất ra 1 sản phẩm đều có sự tham gia của rất nhiều nước nên nếu chỉ ghi giới hạn 1 nước thì không thể hiện rõ được đóng góp của từng quốc gia trong việc tạo nên sản phẩm. Do đó người ta mới cho ra đời thêm những thành tố mới để xác định bao gồm: Country of Manufacture, Country of Design, Country of Assembly, Country of Brand, Country of Corporate Headquarters...
Và khi kết hợp các loại thành tố trên lại thì sẽ cho ra đời những cụm từ mới dài và chi tiết hơn. Ví dụ như "Made in Korea, Assembled in Vietnam" được ghi trên cục pin Samsung Galaxy Note 7 gây cháy nổ một dạo hay dễ thấy nhất là cụm từ trên mỗi chiếc iPhone "Designed by Apple in California, Assembled in China".
Quay lại câu chuyện cái TV của hãng A được nhập từ TQ về ghi xuất xứ Việt Nam thì có đúng không? Câu trả lời là "có thể không sai".
Theo thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa của bộ Công Thương quy định thế này "Hàng hóa được xác định xuất xứ theo quy định tại Thông tư này có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó."
Vậy hiểu như thế nào là "quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó"?
Nếu như anh chỉ nhập mấy tấm panel về thì bản thân tấm panel ta không thể gọi là TV được, anh phải có kết nối linh kiện lại với nhau thì mới thành ra cái TV. Hay nói cách khác là anh nhập rời từng bộ phận nguyên cái TV về VN rồi đưa công nhân ráp lại để trở thành cái TV hoạt động được thì theo luật anh được quyền ghi cái TV đó xuất xứ Việt Nam, chỉ khi nào anh nhập nguyên con TV hoàn chỉnh về mà gắn mác VN lên thì khi đó mới là sai luật.
Trường hợp này sẽ rất khác với Khải Silk vì ông ấy chả làm gì cho miếng lụa để hội đủ yêu cầu trên ngoài cái việc đi thay cái mác, nên hành vi đó xác định là vi phạm pháp luật.
Nói chung anh T ngoài đẹp trai, phong độ ra thì cũng rất rành rẽ luật (bao năm qua tuy kinh doanh rất khá nhưng công ty của anh vẫn khai lỗ, chẳng đóng 1 đồng thuế nào cho quận vùng ven Bình Tân, tội nghiệp dân vùng ấy) tuy nhiên anh lại mắc phải cái lỗi đi xé mác y chang KS thì thật là quá chán.
Thay vì cho người đi xé cái mác "Made in China" mà theo mình là rất phản cảm, thà anh cứ để cái mác đó dán chồng lên cái mác "Made in Việt Nam" bên ngoài, nếu ai dám kiếm chuyện thì anh cứ ung dung mà kiện thôi vì rõ là anh biết anh không sai, thấy anh ngay lập tức lên VNN phản hồi lại ngay bài của TT là biết anh tự tin thế nào.
Mà làm như vậy cũng sẽ bớt phần gây tâm lí xấu đến khách hàng như hiện nay. Gì chứ mình tin sẽ có nhiều người đã mua hàng sẽ bào chữa hộ cho anh lắm vì làm vậy để còn giữ thể diện của họ nữa, chẳng lẽ lại để yên cho người khác nhìn vào chửi mình ngu vì đã đi mua đồ TQ đội lốt hàng VN chất lượng cao à. :D
Thôi thì do anh đã soái ca lại còn giàu có thế kia nên là bị nhiều người ganh tỵ, hiềm khích mà chơi đểu. Mong anh vượt qua được chuyện này mà sớm quay lại tiếp tục tài trợ cho các công ty startup như bọn em, em hứa nếu anh chịu đầu tư vào thì em sẽ không chảnh chọe chê tiền của anh đâu ạ.
Hey, hey, yo, yo, O-hay-o A-san-zo!
(Cho ai không biết A San tiếng Hoa/Nhật nghĩa là A Tam đó)